Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập
    1
  • Truy cập trong ngày
  • Truy cập trong tuần
  • Truy cập trong tháng

ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT GÓP PHẦN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

( 22-06-2015 - 08:45 AM ) - Lượt xem: 2493

CHUYÊN ĐỀ

ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC VÀO SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG

TẠI TỈNH TRÀ VINH

I. GIỚI THIỆU

Trà Vinh có diện tích tự nhiên 234.115 ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 185.000 ha, chiếm 79% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Dân số toàn tỉnh là 1.015.300 người (trong đó có khoảng 86% hộ sinh sống ở vùng nông thôn).

Bên cạnh đó, Trà Vinh còn là một tỉnh ven biển với tổng chiều dài bờ biển là 65 km, có các hệ sinh thái nông nghiệp ngọt, lợ, mặn đa dạng với các vùng sản xuất đặc trưng như trồng lúa, lúa - màu, chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản mặn - lợ và nông nghiệp kết hợp thủy sản (lúa - tôm) khác nhau. Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, và sau gần 10 năm đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Trà Vinh đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và to lớn.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu vượt bậc này thì các ngành sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi ở tỉnh Trà Vinh cũng gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, việc sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn đề cần quan tâm của các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học.

Ngoài ra, việc nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển đã gây ra ô nhiễm và phá hủy môi trường trầm trọng, kết quả là sự bùng nổ dịch bệnh. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, các loại kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và các chất hóa học đã được sử dụng.

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh và các chất hóa học dẫn đến việc kháng thuốc ở loài nuôi và tồn dư thuốc trong các sản phẩm nông thủy sản gây ảnh hưởng đến môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động thương mại. Vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vẫn kiểm soát được dịch bệnh trong sản xuất chăn nuôi mà vẫn đảm bảo sản phẩm sản xuất ra là an toàn, thân thiện với môi trường, mang giá trị kinh tế cao.

CHẾ PHẨM SINH HỌC, một sản phẩm của ngành Công Nghệ Sinh Học với cơ chế dựa trên các hoạt động sống của vi sinh vật vừa giúp phòng trừ bệnh hại của vật nuôi và cây trồng, đồng thời xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình trồng trọt chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường.

 

II. CHẾ PHẨM SINH HỌC

1. Chế phẩm sinh học là gì

Từ chế phẩm sinh học (probiotics) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp bao gồm hai từ pro có nghĩa là “thân thiện” và biotics có nghĩa là “sự sống”. Thay cho việc tiêu diệt các bào tử vi khuẩn, chế phẩm sinh học được sản xuất với mục đích kích thích sự gia tăng các loài vi khuẩn có lợi. Chế phẩm sinh học lần đầu tiên được Giáo sư Fuller R. (1989) định nghĩa như sau: “Một loại thức ăn có nguồn gốc từ những vi sinh vật sống và có ảnh hưởng có lợi lên vật chủ qua việc làm cải thiện sự cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột của vật chủ.

 

Probiotic đã và đang được sử dụng khá hiệu quả để phòng bệnh cho người, gia súc và gia cầm trên cạn. Nhiều vi sinh đã được sử dụng để sản xuất ra các chế phẩm ứng dụng rất hiệu quả nhằm kiểm soát côn trùng gây hại cho cây trồng như vi khuẩn Bacillus thuringiensis, nấm Beauveria bassiana, Metarrhizium anisopliae, virus NPV... Ngoài ra, các chế phẩm vi sinh còn được sử dụng để làm phân bón vi sinh nhằm phân giải các chất hữu cơ làm giàu cho đất, phân giải lân khó tiêu thành lân dễ tiêu để cây trồng hấp thu được. Còn trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học ngoài việc giúp cải thiện môi trường nước, tăng sức đề kháng cho loài nuôi còn giúp xử lý bùn đáy và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do các chất thải phát sinh gây ra.

2. Cơ chế hoạt động

Chế phẩm sinh học được hoạt động theo một số cơ chế sau:

Cạnh tranh loại trừ vi khuẩn gây bệnh: chế phẩm sinh học có khả năng tạo ra cơ chế bảo vệ chống lại mầm bệnh qua việc cạnh tranh thức ăn với các vi khuẩn gây bệnh.

Tạo ra các hoạt chất ức chế: chế phẩm sinh học sản sinh ra các chất diệt khuẩn chống lại các mầm bệnh.

Tăng cường hệ miễn dịch của vật nuôi: Các chế phẩm sinh học có thể kích thích hệ miễn dịch của vật nuôi. Các chất dẫn xuất nhất định như polysaccharides, lipoproteins, nucleotides and ß-glucans có khả năng làm tăng bạch huyết cầu bằng cách kích hoạt đại thực bào. Việc sử dụng Bacillus sp đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng bệnh trên vật nuôi bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch dịch và hệ miễn dịch tế bào trong nuôi tôm sú (Rengpipat et al, 2000).

3. Chủng loại chế phẩm sinh học

Chế phẩm sinh học có thể được phân chia thành ba nhóm:

Nhóm 1: gồm các vi sinh vật sống như vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, lactobacillus,… và thường được trộn vào thức ăn để kích thích tiêu hóa, giúp tăng trưởng,…

Nhóm 2: gồm các vi sinh vật có tính đối kháng hoặc cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Bacillus spp và được dùng trong xử lý các chất thải hữu cơ và các khí độc trong môi trường.

Nhóm 3: gồm các vi sinh vật cải thiện chất lượng môi trường như vi khuẩn

Nitrosomonas sp, Nitrobacter,… được dùng trong xử lý nước ao nuôi và nền đáy.

4. Vai trò của chế phẩm sinh học

4.1.Tăng cường sức đề kháng và ngăn chặn mầm bệnh

Chế phẩm sinh học hay các “vi khuẩn có lợi” còn có khả năng cạnh tranh vị trí bám và thức ăn trong thành ruột với các vi sinh vật gây bệnh, không cho phép các vi sinh vật này bám vào cơ thể vật nuôi, nhờ vậy giúp ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi.

4.2.Cải thiện hệ tiêu hóa

Chế phẩm sinh học là nguồn dinh dưỡng và enzyme cho bộ máy tiêu hóa của vật nuôi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế phẩm sinh học có ảnh hưởng tích cực đến quá trình tiêu hóa của các vật nuôi bởi vì các dòng chế phẩm sinh học sản xuất ra các en-zim ngoại bào như as protease, amilaza, lipaza và cung cấp các dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin,…

4.3.Cải thiện chất lượng nước

Chế phẩm sinh học còn giúp ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm trong ao nuôi. Các vi sinh vật có lợi giúp phân hủy các chất hữu cơ, góp phần làm giảm thiểu việc hình thành các lớp bùn và chất cặn bã, nhờ vậy chất lượng nước trong ao nuôi được cải thiện, làm tăng số lượng của động vật phù du, giảm mùi hôi, từ đó tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ góp phần làm giảm việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong phòng và trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản xuất sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người và góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

4.4.Bảo vệ môi trường

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, trong đó có tình trạng ô nhiễm chất thải hữu cơ ở các khu vực ao hồ, chuồng trại chăn nuôi hay từ quá trình sản xuất nông nghiệp. Các biện pháp truyền thống như dùng hóa chất không xử lý một cách triệt để mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có ích, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển.Chế phẩm sinh học có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây mùi thối, nên khi phun vào bãi rác, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi có tác dụng khử mùi hôi một cách nhanh chóng; đồng thời số lượng ruồi muỗi, ve, côn trùng giảm hẳn. Chế phẩm sinh học còn có thể giúp cho hệ vi sinh vật tiết ra các enzim phân hủy có khả năng phân hủy các hóa chất nông nghiệp tồn dư, môi trường được cải thiện.

 

III. ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG TRỒNG TRỌT – BẢO VỆ THỰC VẬT

Trà Vinh là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Năm 2013 Trà Vinh có diện tích gieo trồng lúa đạt 235.500 ha, sản lượng đạt 1.275.000 tấn. Về sản xuất hoa màu do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng nhiều giống mới nên sản lượng và năng suất nhiều loại cây trồng tăng khá so với năm 2012 như:

- Sản lượng bắp đạt 28.300 tấn, tăng 7,93% (năng suất tăng 1,59%)

- Sản lượng mía đạt 726.900 tấn, tăng 5,1% (năng suất tăng 3,27%)

- Sản lượng đậu phộng đạt 23.200 tấn, tăng 5,18% (năng suất tăng 5,65%)

- Sản lượng đậu các loại đạt 1.100 tấn, tăng 5,81% (năng suất tăng 24,84%)

Đối với cây ăn trái thì diện tích thu hoạch và sản lượng so với năm 2012 tăng như sau:

- Diện tích dừa đạt 14.700 ha, tăng 11,02%

- Sản lượng đạt 212.700 tấn, tăng 4,64%.

Một số loại cây ăn trái khác có sản lượng đạt khá cao và tăng so với năm 2012. Trong đó:

- Cam ước đạt 48.100 tấn, tăng 8,32%

- Bưởi đạt 11.500 tấn, tăng 2,02%

- Chuối đạt 79.700 tấn, tăng 6,1%

- Nhãn đạt 16.300 tấn, tăng 8,93%

Như vậy có thể nói, trồng trọt nông nghiệp ở Trà Vinh khá phát triển, sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái được thực hiện quanh năm và sản lượng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ hay sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác đã gây ra ô nhiễm môi trường và về lâu dài sẽ không những làm cho đất chai cứng, bạc màu mà còn làm hệ vi sinh vật có ích trong đất bị thay đổi dẫn đến không có sự điều hòa trong đất trồng, gây nhiều bệnh nguy hiểm cho cây, ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất.

Vậy làm sao để trả lại độ phì nhiêu cho đất, nâng cao chất lượng nông sản mà không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và môi trường?

Sự ra đời của phân vi sinh đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, vừa tăng năng suất cây trồng, cải tạo đất, vừa không gây ô nhiễm và tiết kiệm được chi phí đầu tư. Phân bón vi sinh dựa vào các chủng vi sinh vật sẽ phân giải các chất hữu cơ trong bùn, phế thải, rác thải, phế phẩm công nông nghiệp…. tạo ra sinh khối, sinh khối này rất tốt cho cây cũng như cho đất, giúp cải tạo làm đất tơi xốp.

Và chế phẩm sinh học IEC TREATMENT được công ty IEC nghiên cứu và sản xuất thành công để phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, xử lý vỏ cà phê, xử lý phế phẩm công nghiệp mía đường, xử lý chuồng trại chăn nuôi...

Ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón giúp cải tạo đất nâng cao năng suất cây trồng

Chế phẩm sinh học IEC TREATMENT hoạt động dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng giống vi sinh vật có khả năng phân giải nhanh và triệt các chất hữu cơ từ các nguồn như rơm, rạ sau thu hoạch, rác thải hữu cơ, bùn ao nuôi tôm, phế phẩm nông nghiệp-công nghiệp (vỏ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, phân chuồng,..) thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, là sản phẩm tuyệt đối an toàn với người và động vật.

 

IV. ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC CHĂN NUÔI

Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, bên cạnh cây lúa và cây ăn trái thì chăn nuôi cũng là một thế mạnh và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Nhưng hiện nay tình trạng chăn nuôi để chất thải chưa được xử lí ra môi trường còn khá phổ biến, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn, điều này đã làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất tăng trọng, tạo nạc và thuốc kháng sinh làm tồn dư các hóa chất này trong sản phẩm thịt, trứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thực tế, việc người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm thịt chăn nuôi đã gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

Ngoài ra, mỗi ngày tại các trại chăn nuôi lợn thải ra khoảng 5 tấn phân và nước thải. Lượng phân này hiện đang được dùng vào việc trồng trọt, tuy nhiên việc xử lý không đúng cách làm rau màu nhiễm trứng giun và vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Trước thực trạng đó, Trung tâm công nghệ thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đang triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sử dụng chế phẩm vi sinh để phân huỷ chất thải của vật nuôi và khử mùi, đây là một quy trình kỹ thuật mới mở ra nhiều triển vọng cho nghề chăn nuôi trong tương lai.

Trên thị trường hiện nay có hơn 200 chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, trong đó phải kể đến các dòng chế phẩm sinh học IEC là một trong những sản phẩm ưu việt nhất nhằm cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp tiêu hóa tốt, giảm tỷ lệ các sinh vật gây bệnh, kích thích hệ miễn dịch, nhờ đó khống chế các bệnh lây nhiễm và giảm ô nhiễm môi trường.

Mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sử dụng chế phẩm vi sinh

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học IEC đem lại nhiều lợi ích rõ rệt như phân giải được nước tiểu do vật nuôi thải ra, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe vật nuôi; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho vật nuôi; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho vật nuôi hàng ngày. Đặc biệt, người chăn nuôi khi sử dụng men vi sinh IEC đã cho ra sản phẩm thịt đảm bảo vệ sinh về màu, mùi, vị.

   Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sử dụng chế phẩm vi sinh

Mô hình chăn nuôi trên đệm lót sử dụng chế phẩm vi sinh IEC để phân huỷ chất thải của vật nuôi và khử mùi có cách làm đơn giản, chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại cao, đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình này cho đông đảo người chăn nuôi ở tỉnh Trà Vinh áp dụng thực hiện, nhằ­m góp phần bảo vệ tốt môi sinh thái cũng như sức khoẻ cho người dân trong cộng đồng dân cư ở địa phương.

 

V. ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Tại Trà Vinh, trong nuôi trồng thủy sản, diện tích thả nuôi trong năm 2013 đạt 29.400 ha, giảm 15,61% so với năm 2012. Trong đó:

Diện tích nuôi tôm sú 20.400 ha, giảm 13,18%

- Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 2.300 ha, tăng gấp 4,3 lần

- Diện tích nuôi cá tra 84 ha, giảm 44,09%

- Diện tích nuôi cá lóc 353 ha, tăng gấp 2,4 lần

Sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2013 đạt 88.400 tấn, tăng 22,36% so với năm 2012, trong đó:

- Cá đạt 59.800 tấn (cá tra 14.700 tấn, cá lóc 27.000 tấn), tăng 11,13%

- Tôm đạt 20.600 tấn, (tôm sú đạt 11.500 tấn, tôm thẻ chân trắng 8.500 tấn) tăng 82,95%

Tuy nhiên một vấn đề đặt ra trong nuôi trồng thủy sản là lượng bùn đáy ao thải ra môi trường hàng năm rất lớn, gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường nuôi, cần có các biện pháp xử lý phù hợp để sản xuất phát triển bền vững.

Vì thế, việc triển khai dự án sản xuất thử nghiệm phân bón vi sinh bằng chế phẩm sinh học IEC từ bùn ao nuôi tôm và bùn ao nuôi cá lóc là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ giải quyết được một lượng lớn bùn thải phát sinh từ 22.700ha nuôi tôm và 437ha nuôi cá lóc và cá tra. Lượng phân bón này sẽ được cung cấp cho các hoạt động trồng trọt trên địa bàn tỉnh như cho trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu,... Cụ thể như:

- Góp phần làm giảm 10.000 - 20.000 tấn bùn thải ra từ ao nuôi tôm, nuôi cá lóc và bã mía thải ra mỗi năm. Góp phần làm sạch ao nuôi tôm, nuôi cá lóc và đảm bảo phát triển bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao trong nghề nuôi tôm, nuôi cá lóc ở Trà Vinh.


 Chế phẩm xử lý bùn đáy                                 Chế phẩm cải thiện môi trường ao nuôi

- Giúp cho nông dân tỉnh Trà Vinh chủ động về nguồn phân bón vi sinh trong sản xuất nông nghiệp (10.000 - 20.000 tấn/năm) với giá thành thấp, phù hợp với thổ nhưỡng của tỉnh Trà Vinh.

- Giúp cho người dân ổn định đời sống, sản xuất do chủ động về nguồn phân bón vi sinh đối với trồng trọt và làm sạch ao nuôi tôm, nuôi cá lóc.

- Góp phần phát triển ngành sản xuất phân bón vi sinh ở tỉnh Trà Vinh trên cơ sở tận dụng phế thải nông nghiệp (bùn ao nuôi tôm, bùn ao nuôi cá lóc và phụ phẩm nông nghiệp) phù hợp với chiến lược phát triển nông thôn mới của Chính phủ và tỉnh Trà Vinh.

­­­

 

VI. KẾT LUẬN

1. Kết luận

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, cho đến nay việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mang lại nhiều triển vọng cho ngành nuôi.

Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu vẫn chưa mang lại kết quả thỏa đáng.Trong một vài thử nghiệm, khi loài nuôi được tiếp xúc với mầm bệnh, chế phẩm sinh học dường như không có phản ứng kháng bệnh, dẫn đến tỷ lệ chết cao.

Nhìn chung, việc sử dụng chế phẩm sinh học được chứng minh là có hiệu quả nhất khi hệ vi khuẩn chưa cân bằng, đặc biệt là ở các loài nuôi chưa trưởng thành. Trong số các yếu tố này, yếu tố phổ biến nhất là: nhiệt độ, sự hiện diện của mầm bệnh, nồng độ muối thấp, thay đổi dinh dưỡng, vận chuyển, mật độ thả giống cao, sau khi điều trị kháng sinh, thay đổi môi trường đột ngột.

Ngoài ra, các kết quả đạt được trong các thử nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như: dòng chế phẩm sinh học, phương pháp và liều lượng, vật nuôi, hệ tiêu hóa của vật nuôi và giai đoạn phát triển của vật nuôi.

2. Triển vọng

Dựa trên các kết quả nghiên cứu về chế phẩm sinh học, chúng ta có thể thấy các dòng chế phẩm sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và  nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, các nghiên cứu về chế phẩm sinh học đã đạt được nhiều thành tựu và hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai. Chế phẩm sinh học đã được áp dụng rộng rãi ở Mỹ, Nhật, các nước châu ÂU, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam,… và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Chế phẩm sinh học đã trở thành một sản phẩm thương mại ở một số nước, ví dụ như sản phẩm của tập đoàn Alken-Murray, American Standard,…

Chế phẩm sinh học đã và sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản không những giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe của con người. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm sinh học sẽ trở thành một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của đời sống và sản xuất.